Giải cứu thất bại Thảm sát München

Kế hoạch phục kích

Chính quyền đã vờ đồng ý với yêu cầu di chuyển tới Cairo, (dù Thủ tướng Ai Cập Aziz Sedki đã nói với chính quyền Đức rằng người Ai Cập không muốn dính dáng tới vụ khủng hoảng con tin),[24] và vào lúc 10:10 tối một chiếc xe buýt cho các con tin và những kẻ khủng bố từ 31 Connollystraße tới hai chiếc trực thăng quân sự Bell UH-1, để chuyển họ tới Fürstenfeldbruck, một căn cứ không quân của NATO gần đó. Ban đầu, kế hoạch của những kẻ khủng bố là đi tới Riem, sân bay quốc tế gần Munich, nhưng những nhà đàm phán thuyết phục chúng rằng đi tới Fürstenfeldbruck sẽ dễ dàng hơn. Những người giải cứu con tin, đi trước các con tin và bọn khủng bố tháng 9 Đen trong một trực thăng khác, đã có một động thái bí mật: họ bố trí một đội tấn công vũ trang tại sân bay.

Năm tay súng bắn tỉa Đức được lựa chọn để phục kích những kẻ bắt cóc con tin đã được chọn bởi họ đã có kết quả tốt trong cuộc cạnh tranh vào cuối tuần.[25] Trong một cuộc điều tra sau đó của Đức, một sĩ quan được gọi là "Tay súng số 2" đã nói: "Theo ý tôi, tôi không phải là một thiện xạ."[26] Năm tay súng bắn tỉa được bố trí quanh sân bay — ba trên mái tháp điều khiển, một nấp sau xe tải dịch vụ và một sau một tháp tín hiệu nhỏ ngang tầm mặt đất — nhưng không ai trong số họ từng được huấn luyện đặc biệt. Các thành viên đội giải quyết khủng hoảng — Schreiber, Genscher, Merk và người phó của Schreiber là Georg Wolf — chỉ huy và quan sát nỗ lực giải cứu từ tháp điều khiển sân bay. Cooley, Reeve và Groussard và lãnh đạo Mossad Zvi Zamir và Victor Cohen, một trong các trợ lý cấp cao của Zamir cũng có mặt, nhưng chỉ ở vị trí quan sát. Zamir đã nhắc đi nhắc lại trong những cuộc phỏng vấn sau đó rằng ông chưa từng được người Đức tư vấn vào bất kỳ lúc nào trong nỗ lực giải cứu và rằng ông nghĩ sự có mặt của mình chỉ làm những người Đức cảm thấy không thoải mái.

Một chiếc phản lực Boeing 727 đậu trên đường băng với năm hay sáu cảnh sát vũ trang Đức ăn mặc như những thành viên phi hành đoàn. Hai bên thỏa thuận rằng Issa và Tony sẽ kiểm tra máy bay. Kế hoạch là người Đức sẽ ra tay khi chúng lên máy bay, giúp cho những tay súng bắn tỉa có cơ hội giết những kẻ khủng bố còn lại tại các máy bay trực thăng. Những kẻ còn lại được cho sẽ chỉ gồm hai hay ba tên, theo những điều mà Genscher và Tröger đx quan sát thấy bên trong 31 Connollystraße. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển từ xe buýt sang trực thăng, đội giải quyết khủng hoảng thấy thực tế chúng có tám tên.

Thất bại

Vào phút cuối cùng, khi các máy bay đang tới Fürstenfeldbruck, cảnh sát Đức trên máy bay đồng ý hủy bỏ sứ mệnh, mà không tư vấn với trung tâm chỉ huy. Điều này khiến chỉ có năm tay súng bắn tỉa phải trấn áp số lượng khủng bố lớn hơn và được vũ trang mạnh hơn. Vào thời điểm đó, Đại tá Ulrich Wegener, trợ lý cao cấp của Genscher và sau này là người thành lập đơn vị chống khủng bố chuyên nghiệp của Đức GSG 9, nói "Tôi chắc rằng nó sẽ làm nổ tung cả vụ!"[20]

Các máy bay trực thăng hạ cánh ngay sau 10:30 tối và bốn phi công cùng sáu tên bắt cóc xuất hiện. Trong khi bốn tên khủng bố tháng 9 Đen chĩa súng vào các phi công (phá vỡ lời hứa trước đó rằng chúng sẽ không bắt con tin Đức nào), Issa và Tony đi kiểm tra chiếc máy bay, và thấy nó trống rỗng. Nhận ra mình bị lừa vào tròng, chúng chạy lại phía các máy bay trực thăng. Khi chúng chạy qua tháp không lưu, Tay súng số 3 có cơ hội cuối cùng và hạ Issa, khiến nhóm khủng bố không còn kẻ chỉ huy. Tuy nhiên, vì ánh sáng kém, anh ta khó thấy mục tiêu và bắn trượt vào bắp đùi của Tony. Cùng lúc đó, chính quyền Đức ra lệnh cho các tay súng bắn tỉa xung quanh nổ súng, sự việc diễn ra khoảng lúc 11:00 tối.

Trong tình trạng hỗn loạn sau đó, hai trong những kẻ khủng bố (Ahmed Chic Thaa và Afif Ahmed Hamid) đang giữ các phi công trực thăng bị bắn hạ, và các tay súng còn lại (một hay hai tên trong số đó có thể đã bị thương) trườn tới nơi an toàn, bắn trả từ phía sau và bên dưới chiếc trực thăng, ngoài tầm bắn của các tay súng bắn tỉa, bắn hỏng nhiều bóng đèn ở sân bay. Một cảnh sát Đức tại tháp điều khiển, Anton Fliegerbauer, thiệt mạng. Các phi công trực thăng bỏ chạy: các con tin, bị trói bên trong máy bay không thể thoát ra. Trong cuộc đấu súng, các con tin đã tìm cách nới lỏng dây trói và người ta đã thấy các vết răng trên một số dây trói sau khi cuộc đấu súng chấm dứt.[24]

Thảm sát

Người Đức không bố trí các xe bọc thép chở quân từ trước và tới lúc đó họ mới gọi xe để phá vỡ tình huống bế tắc. Bởi các con đường tới sân bay chưa được giải tỏa, các xe bọc thép bị tắc đường và cuối cùng tới được sau nửa đêm. Khi chúng xuất hiện, những kẻ bắt cóc con tin cảm thấy tình huống đang xấu đi cho chúng, và có thể đã sợ hãi với ý nghĩ chiến dịch đã không thành công. Bốn phút sau nửa đêm ngày 6 tháng 9, một trong số chúng (có lẽ là Issa) quay về phía các con tin ở chiếc trực thăng phía đông và bắn thẳng vào họ bằng súng AK. Springer, Halfin và Friedman bị bắn chết lập tức; Berger, bị dính hai viên đạn vào chân, được cho là còn sống sau vụ tấn công lần đầu (bởi việc mổ tử thi sau này cho thấy ông bị chết vì ngạt khói). Những kẻ tấn công sau đó rút chốt một quả lựu đạn và ném nó vào buồng lái; vụ nổ sau đó đã phá hủy chiếc trực thăng và thiêu cháy những người Israel bị trói bên trong.

Sau đó Issa chạy qua đường băng và bắt đầu bắn vào cảnh sát, họ bắn trả và giết chết hắn. Một tên khác, Khalid Jawad, tìm cách chạy trốn và bị một tay súng bắn tỉa khác bắn hạ. Điều xảy ra với các con tin còn lại vẫn còn bị tranh cãi. Một cuộc điều tra của cảnh sát Đức cho thấy một trong những tay súng bắn tỉa và vài con tin có thể đã bị bắn bởi cảnh sát. Tuy nhiên, một cuộc tái hiện bản báo cáo của công tố viên Bavaria bị ngăn chặn từ lâu của tạp chí Time Magazine cho thấy một tên khủng bố thứ ba (Reeve xác định là Adnan Al-Gashey) đứng ở cửa chiếc trực thăng phía tây và đã dùng súng máy bắn cả năm con tin còn lại; Gutfreund, Shorr, Slavin, Spitzer và Shapira bị bắn trung bình bốn lần mỗi người.[24][25] Trong các con tin ở chiếc trực thăng phía đông, chỉ thi thể Ze'ev Friedman là khá nguyên vẹn; ông bị vụ nổ đẩy bắn ra ngoài chiếc trực thăng. Trong một số trường hợp, rất khó xác định nguyên nhân chính xác của cái chết của các con tin ở chiếc trực thăng phía đông bởi phần còn lại của thi thể đã bị đốt cháy tới mức khó nhận dạng trong vụ nổ và vụ cháy diễn ra sau đó.

Ba tên khủng bố còn lại nằm trên mặt đất, một trong số chúng giả chết, và đã bị cảnh sát bắt giữ. Jamal Al-Gashey đã bị bắn vào cổ tay phải,[20] và Mohammed Safady bị thương ở chân.[24] Adnan Al-Gashey hoàn toàn không bị thương. Tony bỏ chạy khỏi đó nhưng đã bị những chú chó cảnh sát phát hiện 40 phút sau trong khu đỗ xe của sân bay. Bị bao vây và tấn công bằng hơi cay, hắn bị bắn chết sau một trận đấu súng ngắn. Tới khoảng 1:30 sáng vụ việc kết thúc.

Hậu quả

Những tin tức báo cáo ban đầu, được truyền đi khắp thế giới, nói rằng các con tin còn sống, và rằng tất cả những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Chỉ sau đó một đại diện của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho rằng "những báo cáo ban đầu quá lạc quan." Jim McKay, đang đưa tin về Olympics năm đó cho ABC, đã nhận việc đưa tin về các sự kiện khi Roone Arledge đưa anh ta tai nghe của mình. Lúc 3:24 sáng, McKay nhận được xác nhận chính thức:

Chúng tôi đã nhận được những tuyên bố cuối cùng ... các bạn biết không, khi tôi còn là một đứa trẻ, cha tôi thường nói "Những hy vọng lớn nhất của chúng ta và những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta hiếm khi xảy ra." Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta đã diễn ra ngày hôm nay. Bây giờ họ nói rằng có 11 con tin. Hai người thiệt mạng trong phòng buổi sáng hôm qua, chín người bị giết ở sân bay tối nay. Tất cả họ đều thiệt mạng.[27]

Chỉ trích

Tác giả Simon Reeve, cùng những người khác, viết rằng vụ đấu súng với những thành viên tháng 9 Đen được huấn luyện tốt đã cho thấy sự thiếu chuẩn bị nghiêm trọng từ phía chính quyền Đức. Họ không được chuẩn bị để đối đầu với kiểu tình huống như vậy. Bài học đắt giá này đã trực tiếp dẫn tới việc thành lập, trong chưa tới hai tháng sau đó, lực lượng cảnh sát chống khủng bố GSG 9.

Các tác giả cho rằng chính quyền Đức đã phạm một số sai lầm. Đầu tiên, bởi những giới hạn do hiến pháp Tây Đức thời hậu chiến, quân đội không được tham gia vào các nỗ lực giải cứu, bởi các lực lượng vũ trang Đức không được phép hoạt động bên trong nước Đức vào thời bình. Trách nhiệm hoàn toàn nằm trong tay cảnh sát Munich và chính quyền bang Bavaria.[28][cần giải thích]

Nửa giờ trước khi các con tin và những kẻ bắt giữ tới Fürstenfeldbruck mọi người đã biết số lượng chúng lớn hơn con số ước tính ban đầu. Dù có thông tin mới này, Schreiber vẫn quyết định thực hiện chiến dịch giải cứu như kế hoạch ban đầu và thông tin đó không được báo cho các tay súng bắn tỉa bởi họ không có liên lạc bộ đàm.[29] Một yêu cầu cơ bản của các chiến dịch bắn tỉa là phải có đủ tay súng (ít nhất hai cho mỗi mục tiêu đã biết, hay như trong trường hợp này tối thiểu là mười) được triển khai để vô hiệu hóa càng nhiều càng tốt những kẻ tấn công ngay từ loạt đạn đầu.[30]Tập phim Seconds From Disaster năm 2006 của National Geographic Channel về vụ thảm sát nói rằng các máy bay trực thăng được cho là sẽ đỗ ngang và ở phía tây tháp điều khiển, một cách bố trí sẽ cho phép các tay súng bắn tỉa tầm ngắm rộng khi những kẻ bắt cóc con tin mở cửa trực thăng. Nhưng, các máy bay này lại đỗ đối diện với tháp điều khiển và ở giữa sân bay. Việc này không chỉ giúp những kẻ khủng bố có chỗ nấp sau khi cuộc đấu súng bắt đầu, mà còn khiến Tay súng 1 và 2 nằm trong tầm bắn của ba tay súng bắn tỉa kia trên tháp điều khiển. Hai tay súng bắn tỉa đã không có cơ hội bắn tốt vì vị trí đỗ của những chiếc trực thăng, khiến chỉ còn ba tay súng chống lại tám tên khủng bố được trang bị tốt.

Cũng theo chương trình này, ủy ban giải quyết khủng hoảng quyết định cách thức xử lý vụ việc gồm Bruno Merk (Bộ trưởng nội vụ bang Bavaria), Hans-Dietrich Genscher (Bộ trưởng nội vụ Tây Đức) và Manfred Schreiber (Cảnh sát trưởng Munich); nói cách khác, gồm hai chính trị gia và một chiến thuật gia. Chương trình nói rằng một năm trước Olympics, Schreiber đã tham gia vào việc giải quyết một cuộc khủng hoảng con tin khác (một vụ cướp nhà băng không thành) trong đó ông ta đã ra lệnh một người mang mặt nã bắn một thủ phạm, nhưng hắn chỉ bị thương. Vì thế, những tên cướp đã bắn chết một phụ nữ vô tội và Schreiber đã bị kết tội giết người không chủ đích. Một cuộc điều tra sau đó đã kết luận ông không mắc sai lầm nào, nhưng chương trình cho rằng vụ việc trước đó đã ảnh hưởng tới những quyết định của ông ở cuộc khủng hoảng con tin tại Olympic sau đó.

Như đã được đề cập ở trên, năm tay súng bắn tỉa Đức tại Fürstenfeldbruck không liên hệ radio với nhau (cũng không có liên hệ với trung tâm chiến dịch giải cứu) và vì thế không thể phối hợp hành động. Tiếp xúc duy nhất của những tay súng bắn tỉa với chỉ huy chiến dịch là qua Georg Wolf, người nằm bên cạnh ba tay súng bắn tỉa trên tháp không lưu với những mệnh lệnh trực tiếp cho họ.[31] Hai tay súng nằm dưới mặt đất đã nhận được những mệnh lệnh mơ hồ để nổ súng khi những tay súng khác bắt đầu bắn, và nói chung chỉ tự lo liệu được cho họ.[32]

Ngoài ra, các tay súng bắn tỉa không có trang bị thích hợp cho chiến dịch giải cứu như kiểu này. Các khẩu súng tấn công Heckler & Koch G3 được sử dụng bị nhiều chuyên gia coi là không đủ khoảng cách hoạt động cho tầm bắn của các tay súng. G3, súng tiêu chuẩn của Bundeswehr ở thời điểm đó có nòng súng 20 inch (510 mm); ở các khoảng cách các tay súng phải bắn, nòng súng đảm bảo chính xác phải là 27 inch (690 mm).[33] Không tay súng bắn tỉa nào được trang bị ống ngắm hồng ngoại hay ống ngắm xa.[34] Ngoài ra, không ai được trang bị mũ sắt hay áo chống đạn.[34] Không có xe bọc thép nào tại Fürstenfeldbruck, và chúng chỉ được gọi tới sau khi vụ đấu súng đã diễn ra.[35]

Cũng có rất nhiều sai lầm về chiến thuật. Như đã đề cập ở trên, "Tay súng số 2", nằm phía sau tháp tín hiệu, thẳng với đường bắn của các đồng đội trên tháp điều khiển, mà không có thiết bị bảo vệ và các cảnh sát khác cũng không biết về vị trí của anh ta.[34] Vì thế, "Tay súng số 2" đã không bắn một phát nào cho tới gần cuối cuộc đấu súng, khi kẻ bắt con tin Khalid Jawad tìm cách bỏ chạy bộ qua trước anh ta. "Tay súng số 2" đã tiêu diệt tên này nhưng lại bị thương nặng bởi đạn từ một cảnh sát, người không hề biết rằng mình đang nổ súng vào đồng đội. Một trong các phi công trực thăng, Gunnar Ebel, nằm cạnh "Tay súng số 2" và cũng bị thương do hỏa lực thân thiện. Cả Ebel và tay súng bắn tỉa đều bình phục.[36]

Không sĩ quan cảnh sát nào được giao đóng giả phi hành đoàn chiếc Boeing 727 bị truy tố hay khiển trách vì bỏ vị trí. Nhiều sĩ quan cảnh sát và biên phòng được tiếp xúc phỏng vấn bởi đội phóng viên thực hiện chương trình One Day in September đã bị đe dọa sẽ mất các chế độ hưu trí nếu nói chuyện với đoàn làm phim. Nhiều sai lầm của người Đức trong chiến dịch giải cứu sau này đã được Heinz Hohensinn liệt kê chi tiết, ông đã tham gia vào chiến dịch, nhưng nghỉ hưu sớm và không có chế độ hưu trí gì để mất.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm sát München http://archives.cbc.ca/IDC-1-41-1289-7332/sports/o... http://www.americansportscastersonline.com/mckay5q... http://www.cbsnews.com/stories/2002/09/05/world/ma... http://www.channel4.com/history/microsites/H/histo... http://sportsillustrated.cnn.com/events/1996/olymp... http://sportsillustrated.cnn.com/features/flashbac... http://sportsillustrated.cnn.com/si_online/news/20... http://sportsillustrated.cnn.com/si_online/news/20... http://www.cnn.com/2010/WORLD/meast/07/03/munich.m... http://www.cnsnews.com/InDepth/archive/199905/IND1...